Hiện thương lái lùng tận vườn để mua sầu riêng trái với giá cao nhất từ trước đến nay. Sầu riêng giống Dona (tức Môn Thông) loại 1, giá 150.000 – 160.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6, khổ qua xanh từ 90.000 – 120.000 đồng/kg; tăng so với tháng trước từ 30.000 – 40.000 đồng/kg. Với mức giá này, nếu 1 ha sầu riêng cho trái 100% thì nhà vườn sẽ có thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm.
Trái sầu riêng có giá kỷ lục trong lịch sử nhưng rất khan hiếm
Sầu riêng tăng giá do thị trường Trung Quốc hút hàng cận Tết cổ truyền; Trong khi đó, diện tích sầu riêng trái vụ của tỉnh Tiền Giang cho thu hoạch rất ít, “cung vượt cầu” nên dẫn đến tình trạng khan hàng với giá cao. Từ khi trái sầu riêng chính thức được xuất khẩu sang Trung Quốc, giá liên tục tăng nên nhà vườn rất phấn khởi, tích cực chăm sóc vườn cây để tháng 3 tới bước vào chính vụ, hy vọng trúng mùa, trúng giá.
Toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 16.000 ha sầu riêng được trồng tập trung tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành và Cai Lậy. Hiện nay, sầu riêng đang ở vị trí dẫn đầu về diện tích và giá trị kinh tế cao nhất trong 11 loại trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang.
Sầu riêng đứng đầu trong 11 loại trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang, nhà vườn làm giàu nhờ loại cây này.
Ông Nguyễn Văn Lưu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồi Xuân, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang – địa phương có nhiều nhà vườn bán trái sầu riêng thu nhập hàng tỷ đồng, cho biết: “Trái sầu riêng này được giá. Nông dân rất phấn khởi, thương lái thu mua tới 160.000 đồng/kg, phải nói Tết này nông dân vui lắm.
Nhà vườn xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang bón phân cho vườn sầu riêng 20 năm tuổi
Trong tái sản xuất, nông dân cũng quyết tâm đầu tư để chuẩn bị cho vụ sau. Bởi theo nhận định của nhà vườn, qua nhiều năm trái sầu riêng vẫn có giá. Nhìn chung, so với năm ngoái, năm nay nông dân rất phấn khởi, cá nhân họ cũng thu hoạch được gần 7 tấn sầu riêng, giá ban đầu 70.000 đồng/kg, cũng được vài trăm triệu đồng, trang trải cuộc sống và gia đình. Gia đình ăn Tết cảm thấy rất thoải mái”.
VOV