*Bài viết dưới đây là chia sẻ của Tim Denning, một cây viết quen thuộc trên CNBC, Business Insider, và Entrepreneur Magazine, chuyên viết về khởi nghiệp và phát triển bản thân.
Tôi đã từng nhận được một e-mail có tiêu đề “Tôi từ bỏ” từ một phụ nữ trẻ. Bản thân cô đảm nhận trọng trách của người định hướng và truyền cảm hứng nghề nghiệp nhưng lại để bản thân rơi vào cơn khủng hoảng tài chính lớn nhất đời mình, từ đó mất đi động lực đứng dậy.
Dù đã tìm mọi cách để thoát khỏi cảnh khốn khó, nhưng nhiều lúc nghĩ đến cảnh ngày ngày không nhà cửa, lại còn nuôi đứa con gái nhỏ. Cô ấy thậm chí còn nghĩ đến những công việc phải trả giá cao, nhưng có thể mang lại thu nhập cao. Nhưng cuối cùng, lòng kiêu hãnh, đạo đức và giá trị của cô đã ngăn cô lại.
Trong email, cô để lại câu hỏi: “Tim, tôi nên làm gì?”
Đọc thư xong, tôi nhớ lại quãng thời gian mình cũng từng rơi xuống đáy thất bại sau khi đứng trên đỉnh vinh quang. Vì vậy, tôi xin gửi đến chị và mọi người 4 lời khuyên chân thành nhất, bí quyết giúp tôi “thoát nghèo” và gầy dựng lại mọi thứ:
Tim Denning, cây viết quen thuộc trên CNBC, Business Insider, và Entrepreneur Magazine, chuyên viết về khởi nghiệp và phát triển bản thân.
1. Nhận công việc dù không thích lắm nhưng tuyệt đối không vi phạm chuẩn mực đạo đức
Cuộc sống không được tô vẽ bằng màu hồng, luôn tràn ngập hoa thơm và lời chúc mừng. Vùng tối sẽ luôn song hành với vùng sáng, tương ứng với những thăng trầm, khó khăn. Đó là khi định hướng tương lai chệch hướng, bạn mất việc, mất tiền, thậm chí mất cả những mối quan hệ thân thiết nhất.
Tuy nhiên, dù ở trong hoàn cảnh rối ren đến đâu, bạn cũng không nên đánh đổi những chuẩn mực đạo đức của mình để lấy những lợi lộc nhất thời. Đến khi vượt qua thung lũng đó, bạn sẽ nhận ra, thứ mình đánh đổi chẳng đáng chút nào.
Năm 2011, tôi từng sụp đổ giấc mơ kinh doanh. Đó là quãng thời gian tôi phải đến các công ty việc làm và được giới thiệu vào vị trí nhân viên kinh doanh – công việc mà tôi từng ghét “tận xương tủy”.
Tôi chấp nhận vì đó là cơ hội duy nhất còn lại để kiếm đủ sống. Tuy nhiên, trong quá trình học cách bán hàng tốt nhất, tôi đã dần giúp bản thân xây dựng lại sự tự tin và hiểu khách hàng hơn. Ở một vị trí khác, tôi mới nhận ra những sai lầm của mình khi làm chủ. Từ đó, tôi rút ra những kinh nghiệm đau đớn từ thất bại, nhìn ra sai lầm của bản thân cũng như mặt tối của thế giới kinh doanh.
Thành thật mà nói, đó là khoảng thời gian khó khăn, đau khổ hơn những gì bạn có thể tưởng tượng, nhưng tôi rất biết ơn vì điều đó. Sẽ không có siêu anh hùng hay bà tiên nào xuất hiện và cứu bạn khỏi nghịch cảnh, chỉ có chính bạn mới làm được điều đó. Hãy đủ bình tĩnh để nhận ra rằng công việc bạn từng ghét có thể mang lại nhiều bài học bổ ích.
2. Vượt qua sự nhút nhát để bảo vệ chính mình
Khi mọi thứ quá thuận lợi, bạn có xu hướng nuông chiều bản thân. Nhưng khi cuộc sống trở nên khó khăn, bạn sẽ phải học cách tự bảo vệ mình và vượt qua sự nhút nhát.
Những thử thách khó khăn sẽ giúp bạn rèn luyện tinh thần, rèn luyện sức bền. Nó đòi hỏi bạn phải không ngừng cố gắng hết sức để tồn tại. Nếu bạn chỉ rụt rè thu mình lại trong chiếc kén an toàn của mình, bạn sẽ không bao giờ có thể thay đổi hiện trạng. Chỉ khi bạn dám bước ra khỏi đó, vươn mình mạnh mẽ để “rũ bùn đứng dậy”, bạn mới thấy không gì có thể cản bước chân mình.
Người ta thường nói chỉ cần tự tin là có 50% thành công. Vì vậy, sự tự tin là điều cần thiết để bạn thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Bạn phải thay đổi bản thân để thay đổi tương lai nghề nghiệp của mình. Để làm được điều đó, hãy từ bỏ tính cách nhút nhát đó và thay vào đó là sự tự tin, mạnh dạn trong mọi trường hợp.
3. Đừng chỉ nhìn lên, đôi khi hãy học cách nhìn xuống
Trong lúc bối rối về tương lai của mình, một trong những cố vấn cũ của tôi đã liên lạc với tôi. Anh cho biết mình vừa bị giáng chức, không còn giữ chức vụ cao, không còn cấp dưới tin cậy và buộc phải làm công việc không phải thế mạnh của mình.
Tôi nói với người cố vấn đó: “Ai cũng có lúc rơi vào hố sâu. Cho dù trước mắt bạn có gặp khó khăn, nhưng nếu bạn là vàng hay kim cương, sẽ có ngày tươi sáng. Sau đó, bạn sẽ trở về với một vị trí xứng đáng, có thể là ở một công ty tốt hơn.”
Tôi cũng thấy rằng, bản thân tôi dù không may mắn nhưng vẫn có những trường hợp khác tương tự, thậm chí kém may mắn hơn tôi. Sự thất bại của họ lớn hơn tôi, sự sa ngã của họ để lại hậu quả nặng nề hơn tôi. Họ cũng đang cố gắng thay đổi cuộc sống của họ, vì vậy không có lý do gì để tôi từ bỏ.
Theo một cách nào đó, ngay cả khi hoàn cảnh của bạn rất tồi tệ, nhưng khi nghe về những khó khăn mà người khác phải trải qua, tâm trí của bạn vẫn có thể tìm thấy một chút lạc quan hữu hiệu.
4. Chuẩn bị tinh thần để vấp ngã bất cứ lúc nào
Hôm nay bạn có thể là người giàu nhất thế giới, nhưng ngày mai có thể không. Hôm nay bạn có thể là người chạy 100m nhanh nhất thế giới, nhưng ngày mai sẽ có người nhanh hơn.
Không ai mãi mãi đứng đầu trong “sân chơi” của mình, đó là một sự thật rất hiển nhiên.
Vì thế, bạn cần biết, luôn có thể có những cơn sóng xô ngã chúng ta. Thay vì trốn tránh, chúng ta cần học cách đối mặt, không ngừng gục ngã, không ngừng tìm cách đứng dậy. Không trải qua thất bại, chúng ta khó có được sức mạnh để thành công hơn nữa.
Mọi khó khăn sẽ qua nếu chúng ta có sức mạnh. Chỉ xây dựng bản thân từ dưới lên mới là con đường dẫn đến đỉnh cao.
*Nguồn: Addicted2Success