Thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn định giá hấp dẫn. Trong vòng 15 năm qua, lần thứ 5 định giá P/E xuống dưới 11 lần. Đây được coi là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn sẽ còn nhiều yếu tố tác động. Điển hình như kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái, kinh tế Việt Nam đối mặt thách thức khi lượng trái phiếu đáo hạn năm 2023 ở mức cao, tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi lạm phát, triển vọng tăng trưởng chậm lại…
Chia sẻ tại Talkshow Lựa chọn danh mục đầu tư do Báo Đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Tuấn Anh – Nhà sáng lập FinPeace cho biết, định giá P/E giảm do giá giao dịch trên thị trường chứng khoán giảm. Kể từ đỉnh 1.500 điểm vào tháng 4/2022, chỉ số chính đã giảm hơn 30% khiến định giá trở nên rẻ hơn.
“Chúng ta dựa vào P/E để đầu tư không phải chỉ vì định giá rẻ, mà quan tâm đến bản chất doanh nghiệp, ở đây là tăng trưởng. Khi giá rẻ, nó vẫn có thể rẻ hơn nữa. Tuy nhiên, với mức định giá hấp dẫn gắn với doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng, thị giá sẽ tăng và mức định giá mới sẽ trở về mức hợp lý”, chuyên gia này chia sẻ.
Làm thế nào để chọn một doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng tốt?
Năm 2023, ông Tuấn Anh nhận định thị trường sẽ đi ngang vào đầu năm, giai đoạn này nhà đầu tư cần quan sát các diễn biến bất thường có thể xảy ra.
Trải qua những giai đoạn khủng hoảng như 2007 hay 2008-2009, các chuyên gia cho rằng khi đó có rất ít cổ phiếu để lựa chọn. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại sẽ mở ra nhiều cánh cửa giúp nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn với đại diện là nhóm tấn công (hay còn gọi là nhóm tăng trưởng hay nhóm chu kỳ) và nhóm phòng thủ. Hơn nữa, nhà đầu tư đang vào vùng giá chiết khấu mạnh so với vùng đỉnh là lợi thế để “mua sắm” thời điểm này.
Theo vị chuyên gia này, khi xây dựng danh mục đầu tư, khẩu vị rủi ro là vô cùng quan trọng. Nếu một nhà đầu tư ở độ tuổi 40-45 và muốn xây dựng danh mục đầu tư 50/50, điều đó có nghĩa là cả về bản chất là phòng thủ và tăng trưởng. Chúng ta có thể lựa chọn đầu tư với tỷ trọng dưới 50% vào các công ty trả cổ tức đều đặn. 5 năm qua, nhiều doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt còn hơn lãi suất tiết kiệm. Khi mua, các nhà đầu tư mong đợi 2 điều, 1 là cổ tức bằng tiền mặt và 2 là tăng giá. Do đó, khi thị trường có biến động giá tốt, nhà đầu tư hoàn toàn có thể bán ra để kiếm lời, còn với biến động giá xấu hơn, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu và nhận cổ tức.
“Đã lâu lắm rồi, khoảng 10 năm trước khi cơ hội này xuất hiện trên thị trường. Sau khi nắm bắt được khẩu vị đầu tư, bước tiếp theo là xây dựng danh mục cổ phiếu tăng trưởng. Trên thị trường, không phải doanh nghiệp nào cũng phát triển mà cần đáp ứng đúng chu kỳ. Chỉ khi hiểu rõ doanh nghiệp, nhà đầu tư mới có thể chọn thời điểm tăng trưởng phù hợp để mua vào”, chuyên gia này nhận định.
Ông Tuấn Anh đưa ra ví dụ về nhóm Ngân hàng chiếm tỷ trọng rất lớn trên VN-Index. Đây cũng là nhóm có thể chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng của mình trong tương lai.
Với dân số đông và tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam còn khá thấp, nhà sáng lập FinPeace đưa ra cái nhìn lạc quan về nhóm ngân hàng bán lẻ. Điển hình như Vietcombank có khoảng 20 triệu khách hàng trong khi dân số nước ta là 96 triệu người, tức chỉ 1/5 dân số có tài khoản tại ngân hàng lớn này. Ở nước bạn như Singapore hay Malaysia, tỷ lệ dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng cực cao, trên 84%.
Do đó, độ rộng trên thị trường bán lẻ của ngành ngân hàng còn rất lớn. Với suy nghĩ đó, nhà đầu tư hoàn toàn có thể giải ngân ngay từ đầu năm cho các ngân hàng hay cụ thể là ngân hàng bán lẻ ngay cả trong bối cảnh thị trường đi xuống.
Ngoài nhóm ngân hàng, nhóm chứng khoán cũng có dư địa tăng trưởng lớn, con số thực tế chỉ khoảng 2-3% dân số tham gia lĩnh vực này. Vị chuyên gia này cho rằng, có nhiều lĩnh vực nhà đầu tư cần quan sát thêm, chẳng hạn như ngành than.
“Các công ty than thường trả cổ tức bằng tiền mặt rất cao. Vì vậy, nhà đầu tư cần quan tâm đến những nhóm đặc biệt như vậy để xây dựng danh mục phòng thủ cho mình. Mặt khác, những công ty có doanh thu tăng đột biến có thể xảy ra ở các doanh nghiệp xuất khẩu,…” Founder FinPeace cho biết.